Hàng năm, người dân huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng vẫn được hưởng cái thứ “lộc trời” - con rươi. Gọi là lộc trời bởi trên cái dải đất hình chữ S này chỉ vài vùng như Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo,... là vùng nước lợ nằm ven sông Văn Úc, người dân mới có may mắn được khai thác thứ đặc sản này. Cứ độ tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm âm lịch là bà con cô bác lại đi bắt rươi mà vui như trẩy hội. Rươi vùng này có chất lượng tốt, thơm ngon lại nhiều dinh dưỡng nên được bán với giá thành cao, đem lại sinh kế cho hàng trăm hộ dân, giúp nhà nhà có được cuộc sống no đủ.
Tại Kiến Thụy, theo thống kê cho thấy toàn huyện hiện có khoảng 400ha nuôi rươi. Rươi chính vụ là vào tầm tháng 9, 10, 11 hàng năm. Tuy nhiên, nói về rươi nổi thì chỉ có trong khoảng 7 - 10 ngày. Đây là lúc rươi nhiều nhất và dễ bắt nhất. Những năm gần đây, việc nuôi rươi được kết hợp với canh tác lúa để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất - nước và gia tăng thu nhập cho người nông dân. Mỗi năm, người dân chỉ cấy một vụ Xuân, thời gian còn lại để rươi sinh trưởng.
Con rươi vốn là một loài sinh vật ưa môi trường rất sạch, mặc dù sống trong đất nhưng vùng đất và nước mà nó sống phải không bị ô nhiễm, không có chất hóa học hay các loại thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vậy mới nói, lúa được trồng trên ruộng rươi là minh chứng rõ ràng nhất cho sản phẩm hữu cơ tuyệt đối. Cả lúa và rươi trong quá trình nuôi cấy và khi thu hoạch đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ dừng ở chỗ sạch mà lúa trồng trên ruộng rươi còn có độ thơm ngon nhất định. Theo nghiên cứu về quá trình sinh trưởng của rươi thì trước khi rươi ngoi lên mặt nước để thực hiện quá trình giao phối và sinh sản nó đã để lại một phần cơ thể trong bùn đất. Phần cơ thể đó cùng phù sa lắng đọng vùng cửa sông trở thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên quý báu cho thực vật tại đây. Mặc dù sản lượng gạo cấy trên ruộng rươi thấp hơn so với gạo cấy thông thường, thế nhưng đổi lại, mảnh đất màu mỡ ấy lại cho ra thứ gạo thơm ngon giàu dinh dưỡng. Sống trong một hệ sinh thái hoàn toàn tự nhiên, gạo ruộng rươi chứa nhiều dưỡng chất như vitamin A, B1, B6, B12, Omega 3-6-9,… Đó là một sự kết tinh từ tình yêu của mẹ thiên nhiên, từ tình yêu của những con người làm ra nó, là sản phẩm an lành cho sức khỏe thể chất và tinh thần của tất cả mọi người. Hành trình 6 tháng sinh trưởng và phát triển, dưới bàn tay chăm sóc nâng niu của người nông dân, được đón nhận hơi ấm của mặt trời, của đất mẹ, đón nhận cơn gió mát lành từ cửa biển, cùng mạch nước phù sa màu mỡ, những hạt ngọc tinh túy được tạo ra. Không chỉ chứa đựng dinh dưỡng đơn thuần mà hơn thế, nó còn chứa đựng đầy ắp tình yêu thương, trở thành hạt ngọc mang tới sức khỏe và niềm an vui.
Trên hành trình tìm kiếm Doanh nhân Phượng Hoàng, chúng tôi có dịp được về với cánh đồng rươi của anh Trần Văn Trung. Canh tác trên chính vùng đất màu mỡ thuộc xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, mô hình kết hợp trồng lúa trên ruộng rươi của anh đã trở thành một hình mẫu lý tưởng cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Anh Trung vốn là một người nông dân làm gạo, từng chứng kiến những lô hàng gạo xuất khẩu ra nước ngoài mà không có mang thương hiệu Việt là điều khiến anh luôn trăn trở. Đây cũng chính là động lực thôi thúc anh làm ra một thứ gạo thơm ngon để có thể tự hào mang thương hiệu Việt vươn ra thế giới.
Hành trình tìm đến với kỹ sư Hồ Quang Cua và mang được giống lúa ST 25 về trồng trên cánh đồng rươi được xem như một bước ngoặt trong cuộc đời người nông dân trẻ. Vừa sử dụng giống lúa tốt, lại được canh tác trên môi trường hoàn toàn hữu cơ, những cánh đồng gạo ruộng rươi ST25 và thương hiệu gạo Kiến Quốc của anh Trần Văn Trung tự hào là sản vật của vùng đất Phượng Hoàng, nơi hội tụ đầy đủ những phẩm chất tinh hoa.
Sưu tầm